Sử dụng thuốc chẹn Beta giao cảm sau nhồi máu cơ tim

Thứ năm - 24/10/2024 02:44
Trước đây, quan điểm về việc dừng thuốc chẹn beta sau nhồi máu cơ tim từng gây nhiều tranh cãi và có sự phân hóa trong giới chuyên môn. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học và nhiều nghiên cứu lâm sàng lớn gần đây, quan điểm này đã thay đổi đáng kể.

Trước đây, quan điểm về việc dừng thuốc chẹn beta sau nhồi máu cơ tim từng gây nhiều tranh cãi và có sự phân hóa trong giới chuyên môn. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học và nhiều nghiên cứu lâm sàng lớn gần đây, quan điểm này đã thay đổi đáng kể.

Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Tim mạch châu Âu (ESC) 2024 và được công bố đồng thời trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM) đã đánh giá tác dụng của việc ngừng hoặc tiếp tục dùng thuốc chẹn beta ở bệnh nhân từng bị nhồi máu cơ tim.

1. Tóm tắt kết quả nghiên cứu:

Bối cảnh thực hiện:
Hiện chưa rõ thời gian điều trị thuốc chẹn beta tối ưu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Cần thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của việc ngừng thuốc chẹn beta dài hạn để giảm tác dụng phụ và cải thiện chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim không biến chứng.

Phương pháp:
Nghiên cứu được thực hiện tại 49 cơ sở đa trung tâm ở Pháp, với thiết kế nhãn mở, ngẫu nhiên, phân nhóm theo tỷ lệ 1:1 để ngưng hoặc tiếp tục điều trị thuốc chẹn beta. Tất cả bệnh nhân đều có phân suất tống máu thất trái ít nhất 40% trong khi đang điều trị thuốc chẹn beta dài hạn và không có tiền sử biến cố tim mạch trong 6 tháng trước đó. Kết cục chính là tổng hợp của các yếu tố: tử vong, nhồi máu cơ tim không gây tử vong, đột quỵ không gây tử vong hoặc nhập viện do tim mạch tại thời điểm theo dõi lâu nhất (ít nhất 1 năm), được phân tích theo nguyên tắc Thử nghiệm không thua kém1 (Noninferiority trial) được xác định là sự khác biệt giữa các nhóm nhỏ hơn 3 điểm phần trăm cho giới hạn trên của khoảng tin cậy 95% hai phía. Kết cục phụ chính là sự thay đổi về chất lượng cuộc sống được đo bằng bảng câu hỏi Chất lượng cuộc sống Châu Âu 5 chiều (EQ-5D).

Kết quả:
Tổng cộng có 3698 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên: 1846 bệnh nhân vào nhóm ngưng thuốc và 1852 bệnh nhân vào nhóm tiếp tục điều trị. Thời gian trung bình giữa lần nhồi máu cơ tim trước đó và phân ngẫu nhiên là 2,9 năm (khoảng tứ phân vị, 1,2 đến 6,4), và thời gian theo dõi trung bình là 3,0 năm (khoảng tứ phân vị, 2,0 đến 4,0). Biến cố chính xảy ra ở 432 trong số 1812 bệnh nhân (23,8%) trong nhóm ngưng thuốc và ở 384 trong số 1821 bệnh nhân (21,1%) trong nhóm tiếp tục điều trị (chênh lệch nguy cơ, 2,8 điểm phần trăm; khoảng tin cậy 95% [CI], <0,1 đến 5,5), với tỷ số nguy hiểm (hazard ratio) là 1,16 (CI 95%, 1,01 đến 1,33; P = 0,44 cho không thua kém). Ngưng thuốc chẹn beta dường như không cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Kết luận: Ở những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim, việc ngừng điều trị bằng thuốc chẹn beta dài hạn không được chứng minh là kém hiệu quả hơn so với chiến lược tiếp tục dùng thuốc chẹn beta (Ở những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim, không có bằng chứng nào cho thấy việc ngừng điều trị thuốc chẹn beta dài hạn có hiệu quả bằng việc tiếp tục điều trị.)

Screenshot 6


Nghiên cứu ủng hộ việc tiếp tục điều trị thuốc chẹn beta sau nhồi máu cơ tim

2. Ý nghĩa của nghiên cứu
Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc ngừng sử dụng thuốc chẹn beta ở những bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim không mang lại lợi ích rõ rệt so với việc tiếp tục sử dụng, cụ thể:
- Không có bằng chứng cho thấy việc ngừng thuốc chẹn beta sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống hoặc giảm nguy cơ các biến cố tim mạch như tử vong, nhồi máu cơ tim tái phát, đột quỵ hay nhập viện do các vấn đề về tim mạch.
- Việc ngưng thuốc có thể tiềm ẩn nguy cơ cao hơn so với việc tiếp tục điều trị, mặc dù nghiên cứu này không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ biến cố giữa hai nhóm.
Kết quả này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ để hỗ trợ việc tiếp tục điều trị bằng thuốc chẹn beta ở những bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim, ngay cả khi người bệnh đã hồi phục. Dựa trên kết quả nghiên cứu này, việc tiếp tục sử dụng thuốc chẹn beta vẫn là lựa chọn điều trị được khuyến cáo cho bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim. Để có quyết định điều trị phù hợp nhất, bác sĩ cũng cần cân nhắc tới các yếu tố cá thể hoá trên từng bệnh nhân như lối sống, chế độ ăn uống, và các bệnh lý kèm theo.

Nghiên cứu lâm sàng mới đã mang đến những thông tin quan trọng về việc sử dụng thuốc chẹn beta ở những bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim. Việc thay đổi quan điểm về việc sử dụng thuốc chẹn beta sau nhồi máu cơ tim là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học và thực tiễn lâm sàng. Việc tiếp tục sử dụng thuốc chẹn beta được coi là một phần quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

Chú thích:
 1:Thử nghiệm không thua kém (Noninferiority trial) là một loại thiết kế nghiên cứu đặc biệt trong các thử nghiệm lâm sàng. Mục tiêu của loại thử nghiệm này không phải là chứng minh một phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn so với phương pháp điều trị hiện có, mà là để chứng minh rằng phương pháp điều trị mới ít nhất là không kém hiệu quả so với phương pháp điều trị chuẩn hiện tại.

Biên soạn: Ds.Cao Ngọc Hải - Khoa Dược TTYT Tam Nông


Tài liệu tham khảo:
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/39213187/
https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2404204
https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMe2410891
https://www.healio.com/news/cardiology/20240830/abyss-trial-does-not-demonstrate-safety-of-betablocker-interruption-after-heart-attack

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc