Thực hiện Luật BHYT có hiệu lực từ 01/7/2009, nhất là Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 01/01/2015 đã góp phần cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, phát triển hệ thống BHXH, BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Tại Việt Nam,chính sách BHYT bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội đều được chăm sóc sức khỏe thông qua quỹ BHYT với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện, từng bước giảm mức chi trả của người bệnh cho công tác chăm sóc sức khỏe.
Luật BHYT sửa đổi, bổ sung sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng và định hướng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình trước mắt được thực hiện với nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT để tránh tình trạng lựa chọn ngược, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT và không mang tính chia sẽ cộng đồng. BHYT hộ gia đình là một con đường để tiến tới BHYT toàn dân.
Ngoài ra khái niệm “Gói dịch vụ y tế cơ bản” được BHYT chi trả cũng được đưa vào Luật sửa đổi. Gói dịch vụ y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phù hợp với khả năng chi trả phù hợp của quỹ BHYT và sẽ xác định minh bạch và rõ ràng hơn những gì khi người tham gia BHYT được hưởng lợi từ chính sách y tế.
Ði liền với trách nhiệm là quyền lợi của người tham gia BHYT cũng sẽ được nâng lên. Cụ thể, sẽ nâng mức hưởng BHYT của người nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế- xã hội khó khăn, người sinh sống tại vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn từ 95% lên 100%; thân nhân liệt sĩ từ 80% lên 100%; người thuộc hộ gia đình cận nghèo, thân nhân người có công khác từ 80% lên mức 95%. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB khi có thời gian tham gia liên tục 5 năm và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và thuốc ung thư ngoài danh mục); được KCB tại xã và huyện trên cùng địa bàn không coi là trái tuyến. Lợi ích của việc tham gia BHYT là rất lớn, nhất là bắt đầu từ ngày 1/6/2017 có hơn 1.900 dịch vụ y tế tăng giá đối với đối tượng chưa tham gia BHYT, thì vai trò của thẻ BHYT lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trung bình giá dịch vụ y tế từ ngày 1/6/2017 tăng từ 20% - 30% và một số dịch vụ tăng gấp 2 đến 4 lần, như giá giường bệnh, dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm...
🖌 So với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài.
📩 Hiện nay, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng được nâng lên, người dân khó có thể tránh khỏi nguy cơ mắc nhiều căn bệnh khác nhau. Thực tế, số người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp,... ngày càng tăng, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân rất ít có cơ hội khám bệnh định kỳ. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Biết cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh sau mỗi lần bú sẽ giúp trẻ tránh bị đầy hơi,...