Viêm tai giữa là bệnh về tai khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Trang bị đầy đủ các kiến thức về viêm tai giữa ở trẻ em là cần thiết để các bậc phụ huynh có thể xử lý nhanh chóng, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ.
1. Viêm tai giữa cấp tính là gì?
Viêm tai giữa cấp tính là một tình trạng viêm cấp tính ở tai giữa, có đợt bùng phát nhanh và ngắn với dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng tai giữa, kèm có dịch trong tai giữa. Bệnh thường gặp ở trẻ em, tiến triển trong vòng từ 2-3 tuần với các triệu chứng tiêu biểu của một quá trình viêm cấp.
2. Triệu chứng viêm tai giữa
- Thường xuất hiện cùng với viêm họng hoặc viêm mũi họng với các triệu chứng như chảy mũi, họng đỏ...
- Trẻ sốt, có thể sốt nhẹ, sốt vừa hay sốt cao từ 39 đến 40 độ C
- Đau tai, trẻ thường hay kéo tai hay dụi tai
- Trẻ có thể quấy khóc, bỏ bú, nôn trớ hay tiêu chảy
- Khám thấy trong tai màng nhĩ viêm đỏ, xung huyết.
- Nếu không điều trị sớm gây rách màng nhĩ và chảy mủ ra tai.
- Trẻ sốt, có thể sốt nhẹ, sốt vừa hay sốt cao từ 39 đến 40 độ C
3. Cách điều trị viêm tai giữa cấp tính
Viêm tai giữa có cần uống kháng sinh không? Theo nghiên cứu nhận thấy có đến 80% nhiễm trùng tai không biến chứng sẽ tự khỏi sau khoảng từ 4 đến 7 ngày mà không cần sử dụng kháng sinh. Trong trường hợp cần dùng kháng sinh thì liệu trình điều trị kéo dài trong khoảng 7 ngày.
Vậy viêm tai giữa điều trị chi tiết như thế nào? Nguyên tắc điều trị gồm: điều trị chứng đau tai, chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh và theo dõi sau điều trị. Các bước điều trị tiến hành như sau:
3.1 Giảm đau, hạ sốt
Có thể dùng các thuốc như paracetamol hay ibuprofen để giảm đau tai và giảm sốt cho trẻ (khi trẻ sốt trên 38,5 độ C)
Lưu ý chườm ấm cho trẻ khi sốt, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát; chườm ấm vào vùng tai cho trẻ.
3.2 Dùng thuốc kháng sinh
Các kháng sinh thường được dùng cho trẻ viêm tai giữa cấp như: Amoxicillin, augmentin, azithromycin, các cephalosporin thế hệ I,II, III. Tránh hiện tượng kháng kháng sinh thường sẽ bắt đầu với kháng sinh amoxicillin đơn thuần, vì trên thực tế là vi khuẩn vẫn nhạy cảm với loại kháng sinh này và giá thành cũng thấp hơn so với các loại kháng sinh khác.
Thời gian sử dụng thuốc là 7 ngày, chú ý khi điều trị kháng sinh khoảng 3-4 ngày thấy các triệu chứng đã hết vẫn tiếp tục cho trẻ uống hết đủ liều 7 ngày thuốc, tránh trường hợp vi khuẩn kháng lại kháng sinh.
Trường hợp trẻ viêm tai giữa bị chảy mủ tai: Sử dụng thêm kháng sinh kết hợp với hydrocortisone nhỏ tai, làm sạch tai và không được bịt tai của trẻ để dịch mủ được thoát ra.
3.3 Theo dõi sau điều trị
Trẻ bị viêm tai giữa cấp tính cần được khám lại trong vòng từ 1-4 tuần sau điều trị để kiểm tra xem trẻ đã hết nhiễm trùng chưa, dịch trong tai đã thoát hết ra ngoài chưa.
4. Phòng bệnh viêm tai giữa cấp
- Tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt vaccine HIB, phế cầu, cúm,...
- Giữ ấm vào mùa lạnh, vệ sinh mũi họng thường xuyên. Không nên bơi lội khi bị viêm mũi, viêm xoang. Nên điều trị viêm mũi, viêm xoang càng sớm càng tốt. Nên nạo V.A. và cắt amiđan ở những em bé hay bị viêm tai tái phát. Khi đã viêm tai giữa phải được điều trị tích cực triệt để, tránh dùng kháng sinh liều lượng không đủ và gián đoạn