Người cao tuổi nên phòng bệnh đường hô hấp như thế nào khi giao mùa?
Những ngày gần đây, thời tiết đang trong dịp giao mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với những người cao tuổi có sức đề kháng kém. Vậy nên trong thời điểm giao mùa, người già nên chú ý và thực hiện kĩ các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân.
Đường hô hấp gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên có mũi, họng, hầu, thanh quản và các xoang. Đường hô hấp dưới gồm có khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế quản tận cùng và phế nang. Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh thì người cao tuổi và trẻ nhỏ hay gặp nhất. Người bệnh thường hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi. Với bệnh viêm họng, có thể là cấp tính hoặc mạn tính.
Khi thời tiết chuyển mùa, viêm họng cấp tính nếu không được điều trị sẽ chuyển thành mạn tính. Viêm họng mạn tính sẽ có biểu hiện đau rát họng, ho, ngứa họng, đôi khi có cảm giác nuốt vướng rất khó chịu. Có thể ho khan hoặc ho có đờm. Đờm có thể là màu trắng, vàng, đặc quánh hoặc lỏng, đôi khi có thể có lẫn một ít máu do có tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên gây ra. Nếu viêm họng kéo dài, cơn ho sẽ làm cho người bệnh rất khó chịu, nhất là gây đau thượng vị và kẽ liên sườn do cơ hoành bị kích thích nhiều gây co kéo. Viêm họng mạn tính hoặc viêm mũi mạn tính rất dễ gây nên viêm xoang (có thể viêm một xoang hay nhiều xoang).
Viêm đường hô hấp dưới như: viêm phế quản, viêm phổi… cũng là căn bệnh cộng đồng dễ mắc phải. Một điều cần lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở người cao tuổi do lạnh thì thân nhiệt (nhiệt độ) thông thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm do đó khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
Ngoài thời tiết lạnh, có nhiều yếu tố thuận lợi và cả các yếu tố có nguy cơ cao gây viêm đường hô hấp vào mùa lạnh đó là do hút thuốc. Khói của thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi do đó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội. Bình thường, ở đường hô hấp có vô số vi khuẩn sống cộng sinh hoặc ký sinh như S. pneumoniae, H. influenzae, S. aureus… nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết lạnh, sức đề kháng của cơ thể con người giảm), chúng trở thành tác nhân gây bệnh và được gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Môi trường bị ô nhiễm, nhiều bụi, khói (bếp than, bếp củi, bếp dầu, khí thải công nghiệp), nhà ở chật chội, không thông thoáng (vì mùa lạnh dễ đóng kín các cửa) cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Một số bệnh mạn tính kéo dài ở người cao tuổi như tăng huyết áp, bệnh về rối loạn nội tiết (đái tháo đường) cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp ở người cao tuổi khi thời tiết giao mùa.
PHÒNG BỆNH HÔ HẤP LÚC GIAO MÙA?
- Cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh chuyển sang rét đậm thì nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm, giữ ấm ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tuy nhiên, vẫn có thể tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà. Khi cần thiết phải ra khỏi nhà cần mặc ấm, cổ cần có khăn và đầu cần có mũ, tốt nhất là dùng loại mũ bịt cả hai tai.
- Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế).
- Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những người đã bị bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang. Thuốc lá, thuốc lào ngoài gây các bệnh về đường hô hấp còn có khả năng làm nặng thêm nhiều bệnh khác như bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim…) cho nên không nên hút và nếu bỏ được thì rất tốt cho sức khỏe.
- Tốt nhất là tắm nước ấm nhưng cũng cần tắm nhanh, lau khô người mới mặc quần áo sạch. Trước lúc tắm, nên chuẩn bị sẵn các loại quần áo sạch, khăn lau người để nhanh chóng mặc ấm sau tắm. Nếu không tự chuẩn bị được thì cần nhờ người nhà hoặc người giúp việc hỗ trợ.
- Không nên tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.
- Phải uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: Kem, đá.
- Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả.
- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp các em phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
- Tiêm phòng vắc xin để phòng chống các loại bệnh.
Một điều chúng ta cần lưu ý đặc biệt là người cao tuổi khi mắc bệnh thì diễn biến thường nặng và khó lường... Do đó, nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng, sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn