Chỉ còn đúng 1 ngày là đến ngày mà Tổ chức Y tế Thế giới cùng với các đối tác quốc tế và tất cả hệ thống y tế của các quốc gia trên toàn cầu sẽ cùng nhau rà soát, củng cố lại tất cả các hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, ngày 17/09/2020 là “Ngày An toàn Người bệnh Thế giới” (“World Patient Safety Day”).
Ngày An toàn Người bệnh Thế giới năm nay lại càng mang ý nghĩa thực tiễn rất lớn khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diến biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Có thể nói, chưa bao giờ hệ thống y tế của tất cả các quốc gia trên thế giới đứng trước những thách thức lớn như hiện nay và đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất về an toàn người bệnh, trong đó có cả an toàn cho nhân viên y tế. Đại dịch COVID-19 đã gây ra áp lực chưa từng có đối với từng hệ thống y tế của mỗi quốc gia trên toàn thế giới, đòi hỏi mỗi nhân viên y tế phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng và động lực tốt nhất, thích hợp nhất để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh một cách an toàn nhất.
Ngày An toàn Người bệnh Thế giới chính thức được đề nghị nhân kỳ họp Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72 (tháng 5/2019) để thông qua Nghị quyết WHA72.6 do Tổ chức Y tế Thế giới biên soạn chuyên đề về "Hành động toàn cầu vì sự an toàn cho người bệnh", đã thống nhất chọn ngày 17 tháng 9 hàng năm là Ngày An toàn Người bệnh Thế giới.
Các mục tiêu chính của Ngày An toàn Người bệnh Thế giới là nâng cao hiểu biết về an toàn người bệnh, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào mục tiêu an toàn trong công tác chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy các hành động nhằm tăng cường an toàn, giảm tác hại đến người bệnh trên phạm vi toàn cầu. Ngày An toàn Người bệnh Thế giới cũng muốn nhắc đến một nguyên tắc cơ bản nhất của nền y học đó là “First, do no harm” (Trước hết là không gây hại).
Mục tiêu chính của Ngày An toàn Người bệnh Thế giới của năm 2020 được Tổ chức Y tế Thế giới xác định cụ thể như sau:
(1) Nâng cao nhận thức trên phạm vi toàn cầu về tầm quan trọng của hoạt động chăm lo và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, hoạt động này có mối liên hệ trực tiếp với an toàn của người bệnh.
(2) Thu hút sự tham gia của nhiều phía và áp dụng các chiến lược đa phương thức để cải thiện sự an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh.
(3) Mỗi phía có liên quan đồng loạt triển khai các hành động mang tính khẩn cấp nhưng bền vững hướng đến làm thay đổi nhận thức và đầu tư đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, xem đây là hoạt động ưu tiên để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
(4) Ghi nhận sự cống hiến và làm việc hết mình của nhân viên y tế, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 hiện nay.
Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tất cả các bên có liên quan hãy lên tiếng vì sự an toàn cho nhân viên y tế (“Speak up for health worker safety!"). Đại dịch COVID-19 đã nêu bật những thách thức to lớn mà nhân viên y tế hiện đang phải đối mặt trên phạm vi toàn cầu. Làm việc trong môi trường căng thẳng sẽ làm trầm trọng thêm các rủi ro về an toàn cho nhân viên y tế, ở nhiều quốc gia, nhân viên y tế đang phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng, bạo lực, tai nạn, kỳ thị, bệnh tật và tử vong ngày càng gia tăng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Biết cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh sau mỗi lần bú sẽ giúp trẻ tránh bị đầy hơi,...