Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 – 15 người khác.
Những dấu hiệu của bệnh lao phổi:Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác:
– Ho ra máu;
– Sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm;
– Đau tức ngực;
– Gầy sút cân.
Phòng lây nhiễm bệnh lao cho cộng:– Trẻ em tháng đầu sau sinh cần được tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;
– Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;
– Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;
– Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện sớm, để tránh lây bệnh cho người khác.